Bằng các liệu pháp y học cổ truyền châm cứu, bấm huyệt, người phụ nữ 69 tuổi ở Hà Nội đã có thể dễ dàng nâng hạ và cử động được cánh tay trái bị liệt một cách thoải mái.
Theo lời kể của cô Vương Minh Nguyệt (1956), Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội, vào một buổi sáng ngủ dậy, cánh tay trái không giơ được lên, không có bất kỳ phản ứng nào với định hướng điều khiển của cơ thể và rất mỏi, nhức. Cô Nguyệt cho biết chưa từng bị như vậy trước đây. Người bệnh có vào Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám và chụp chiếu tìm nguyên nhân.
ThS. BS Đỗ Hoàng Lâm điều trị bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt
ThS. BS Đỗ Hoàng Lâm, bác sĩ điều trị trực tiếp cho cô Nguyệt chia sẻ: “Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, thoái hóa khớp gối nhiều năm vẫn đang điều trị. Cách vào viện 1 ngày bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không yếu liệt tay chân. Buổi sáng ngủ dậy, bệnh nhân xuất hiện yếu tay trái, không yếu liệt chân, không nôn, không sốt, không rối loạn cảm giác. Người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai chụp MRI sọ não chưa phát hiện hình ảnh tổn thương, MRI khớp có hình ảnh ít dịch bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai. Điện cơ chi trên chưa ghi nhận bất thường, bệnh nhân được chẩn đoán: Vận động không tự chủ bất thường, theo dõi bệnh lý đám rối thần kinh cánh tay trái. Lúc vào viện, bệnh nhân đau khớp vai trái, hạn chế vận động tay trái, không rối loạn cảm giác. Bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng y học hiện đại và sau đó được chuyển sang Khoa Y học cổ truyền kết hợp thủ thuật châm cứu, xoa bóp bấm huyệt. Sau khoảng 6 tuần kiên trì điều trị cả nội trú và ngoại trú, bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực, cơ lực chi trên nâng hạ duỗi tay hồi phục gần như hoàn toàn”.
Tình hình bệnh được cải thiện, cô Nguyệt được xuất viện, chuyển về tuyến dưới điều trị, tuy nhiên, ấn tượng với phương pháp điều trị hiệu quả, cảm mến đội ngũ nhân viên y tế chuyên môn sâu, tay nghề cao, thân thiện, cởi mở, bệnh nhân xin được điều trị ngoại trú.
Hàng ngày, cô Nguyệt đều chủ động sắp xếp công việc, đúng 13h25 có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai, để có thể “tận hưởng” đầu tiên và tối đa các phương pháp điều trị châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi của Khoa Y học cổ truyền. Thậm chí, ngày nào con cái không sắp xếp đưa đi được, cô Nguyệt chủ động bắt xe để đến khoa đúng giờ làm việc buổi chiều. Tổng thời gian điều trị nội trú và ngoại trú khoảng 6 tuần, bệnh nhân đã khỏi bệnh hoàn toàn, tay giơ lên dễ dàng, tinh thần vui vẻ, sáng khoái.
ThS. BS Hoàng Duy Luân điều trị châm cứu cho người bệnh khi điều trị ngoại trú
“Gia đình thấy rất yên tâm, phấn khởi, hài lòng với phác đồ điều trị của Khoa Y học cổ truyền, không chỉ vậy thời gian trải nghiệm tại đơn vị luôn cảm nhận được sự thân thiện, tận tâm, chu đáo của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ nhân viên y tế. Nhiều người khuyên nên điều trị cho bà bằng phương pháp khác, mang lại hiệu quả nhanh chóng hơn, nhưng gia đình vẫn kiên quyết gắn bó, tin tưởng với liệu pháp y học cổ truyền”, con trai cô Nguyệt chia sẻ.
Thư cảm ơn của cô Nguyệt gửi đến các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Bạch Mai
Ngày điều trị cuối cùng, cô Nguyệt quyến luyến không muốn rời và hết lời cảm ơn các y bác sĩ của Khoa Y học cổ truyền. Hơn thế, cô còn trao đổi với phóng viên Công tác xã hội hỗ trợ để cô có thể gửi một bức thư bày tỏ tấm lòng cảm ơn của mình đến các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền nói riêng, Bệnh viện Bạch Mai nói chung, trọn vẹn sự cảm mến với đơn vị.
ThS. BS Đỗ Hoàng Lâm, Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Với những bệnh nhân vận động không tự chủ bất thường - theo dõi bệnh lý đám rối thần kinh cánh tay, bệnh nhân sau điều trị nên tiếp tục vận động, phục hồi chức năng: Thực hiện các bài tập kéo dãn, uốn gập cổ tay, khuỷu, vai theo hướng dẫn của chuyên gia. Tăng cường sức cơ như dùng bóng mềm, dây kháng lực đê tập co cơ vai - cánh tay với lực nhẹ và tăng dần. Thực hiện chườm ấm hoặc ngâm tay trong nước ấm 1-2 lần/ngày để giảm căng cơ, kích thích tuần hoàn. Điều chỉnh tư thế sinh hoạt như tránh ngồi hoặc nằm sai tư thế gây chèn ép thần kinh (gối đầu quá cao, ôm sát tay kéo dài) khi ngủ, kê gối mềm, giữ tư thế thẳng, không để vai - tay xoay quá mức. Bảo vệ vùng tổn thương: tránh mang vác nặng, những động tác va chạm mạnh. Về dinh dưỡng tăng cường các thực phẩm giàu acid béo omega 3 (cá hồi, cá thu), vitamin nhóm B (gan, trứng, sữa), và protein để hỗ trọ quá trình tái tạo thần kinh. Có thể dùng nẹp cổ tay, đai vai khi mang vác nặng hoặc làm việc tay nhiều để cố định, tránh chấn thương thứ phát. Bệnh nhân nên tái khám định kỳ sau 1 - 3 tháng hoặc khi có bất thường đề được khám và điều trị sớm. |